Các trường hợp khách liếm, bôi nước bọt vào sushi hoặc gây lãng phí khiến nhiều nhà hàng Nhật Bản bỏ mô hình băng chuyền đặc trưng.
Chuỗi nhà hàng sushi lớn nhất Nhật Bản Sushiro đã quyết định dừng toàn bộ hệ thống băng chuyền sushi và triển khai hệ thống gọi món Digiro (digital sushiro vision) thông qua màn hình cảm ứng được đặt ở mỗi bàn. Hệ thống này tái hiện băng chuyền ảo để khách có thể nhìn thấy những phần sushi chạy trên màn hình và nhấn gọi món.
Hôm 23/9, nhiều nhà hàng sushi khác ở Nhật Bản cũng từ bỏ mô hình sushi băng chuyền truyền thống để tránh hành vi xấu của khách hàng và lãng phí thực phẩm. Vào năm 2023, một video ghi lại cảnh thực khách liếm chai nước tương của cửa hàng thuộc chuỗi Sushiro lan truyền trên mạng xã hội, gây bức xúc. Trong video, người này còn liếm vào một chiếc cốc trên kệ và bôi nước bọt vào khay sushi trên băng chuyền.
Ông Koichi Mizutome, Chủ tịch Food & Life – công ty mẹ của Sushiro – nói Digiro có thể giúp nhà hàng cân bằng giữa việc thất thoát thực phẩm và đảm bảo vệ sinh cho khách hàng. Một cuộc khảo sát trong năm 2024 của Maruha Nichiro – công ty chế biến thực phẩm lớn tại Nhật Bản – cho thấy 82% người tham gia thích ăn sushi được chế biến sau khi gọi món hơn là lấy trên băng chuyền.
Hamazushi cũng ngừng sử dụng băng chuyền tại 90% cửa hàng của mình và cho ra mắt hệ thống “đường ray” chuyển món ăn đến từng bán. Công ty ước tính có thể giảm tới 1.000 tấn thực phẩm lãng phí mỗi năm nhờ chuyển đổi. Một số nhà hàng của Hamazushi cũng sử dụng bảng gọi món qua màn hình như Sushiro.
Tập đoàn Choushimaru Co. với khoảng 80 cửa hàng Sushi Choushimaru ở Tokyo cũng tuyên bố bỏ dần hệ thống băng chuyền. Một lãnh đạo của Choushimaru nói những trò đùa kiểu “khủng bố” sushi không phải lý do chính. Đại diện chuỗi lý giải họ muốn nhân viên nói chuyện với khách hàng, thể hiện sự quan tâm.
Trong khi đó, Kura Sushi giữ hệ thống băng chuyền ở tất cả nhà hàng nhưng cũng tính toán về các phương thức đặt món mới. Hiện tại, chuỗi này đã áp dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích xu hướng lựa chọn của khách hàng, qua đó quyết định các món xuất hiện trên băng chuyền. Cách làm này có thể giảm mức lãng phí thực phẩm còn 3%.
Đại diện của Kura Sushi nói du khách nước ngoài tới Nhật luôn muốn trải nghiệm sushi băng chuyền vì đây là một phần văn hóa quốc gia. Hồi tháng 4, công ty đã lắp đặt một băng chuyền dài 123 m tại cửa hàng ở Ginza, Tokyo.
Kura Sushi là đơn vị duy nhất trong 5 chuỗi sushi lớn nhất Tokyo vẫn duy trì băng chuyền. Hiện tại, các nhà hàng trong chuỗi đã bổ sung thêm lớp phủ kháng khuẩn để tránh bụi, nước bọt. Ngoài ra, họ cũng lắp đặt camera thông minh, có thể phát hiện hành vi đáng ngờ như lấy sushi rồi bỏ lại băng chuyền.
“Sự thú vị nằm ở việc chọn sushi từ băng chuyền” chuyên gia phê bình sushi Nobuo Yonekawa cho biết. Theo ông, các nhà hàng bỏ hệ thống băng chuyền đang tạo được hiệu quả và có thể tăng trong tương lai. Tuy nhiên, nếu không nghĩ ra trải nghiệm thú vị, khách hàng sẽ không quay lại.
Theo Sushi Chef Shiro, sushi băng chuyền hay kaitenzushi ra đời vào năm 1958 tại Nhật Bản, do Yoshiaki Shiraishi sáng tạo. Ông có ý tưởng này sau khi quan sát một dây chuyền vận chuyển tại nhà máy bia. Nhà hàng đầu tiên theo mô hình sushi băng chuyền mang tên Mawaru Genroku Sushi đã đạt nhiều thành công. Qua thời gian, mô hình này phổ biến trên toàn quốc.
Sushi băng chuyền giảm chi phí lao động nên giá hợp lý hơn. Tuy nhiên, các chuỗi sushi băng chuyền gặp vấn đề lãng phí thực phẩm khi một số đĩa sushi không được khách chọn, mất độ tươi do nằm trên băng chuyền quá lâu.
Hoài Anh (Theo Straits Times)
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, https://dulichmoituan.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định. Xin cảm ơn!